Logo Loading

Nội dung tìm kiếm

YẾU TỐ THÀNH CÔNG TRONG DỊCH VỤ CẢNG

YẾU TỐ THÀNH CÔNG TRONG DỊCH VỤ CẢNG

Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCT TCSG) hiện là nhà khai thác cảng container hàng đầu Việt Nam, với thị phần container xuất nhập khẩu chiếm trên 90% khu vực phía Nam và gần 50% thị phần cả nước. Theo ông Trần Khánh Hoàng, Phó Tổng Giám đốc TCT TCSG việc ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu là một trong những hướng đi quan trọng đảm bảo tính an toàn và hiệu quả trong hoạt động khai thác cảng.

Hiện đại hóa thủ tục giao nhận

Năm 2018, TCSG đã hoàn tất Đề án hiện đại hóa thủ tục giao nhận tại Tân Cảng – Cát Lái, thông qua việc triển khai hệ thống Cảng thông minh (ePort), kết nối với cổng thanh toán NAPAS, cho phép khách hàng làm thủ tục và thanh toán qua mạng với tất cả các phương án giao nhận container tại cảng. Đồng thời, TCSG cũng đã triển khai ePort đồng loạt cho các cơ sở cảng khác trong hệ thống, như: cảng TCHP, TCIT, TCTT… Đến thời điểm hiện tại, TCSG đã kết nối lệnh giao hàng điện tử (eDO) cho hơn 30 hãng tàu/đại lý hãng tàu và sẽ tiếp tục kết nối đến các hãng tàu còn lại. Đây chính là yếu tố quan trọng nhất góp phần giảm đáng kể tình trạng ùn ứ giao thông tại các cổng cảng, các khu thủ tục trong cảng cũng như trên các tuyến đường ra, vào cảng.

Năng suất giải phóng tàu liên tục được cải thiện, 06 tháng đầu năm 2019: 69,6 container/giờ, đặc biệt trong tháng 06/2019: đã đạt mức kỷ lục là 74,7 container/giờ.

Đến nay, toàn bộ sản lượng container hàng nguyên cont đã được làm thủ tục giao nhận, thanh toán qua mạng (khoảng 15.000 TEUs/ngày), trong đó giao nhận qua eDO đạt 400 – 500 container, chiếm 8% tổng sản lượng container hàng nhập tại Tân Cảng Cát Lái; 100% khách hàng đã được cung cấp hóa đơn điện tử. Mục tiêu đến ngày 01/10/2019 sẽ hoàn tất việc triển khai eDO đồng loạt cho tất cả các hãng tàu. Cùng với việc áp dụng thành công Hệ thống giám sát hải quan tự động (tại 15 cơ sở cảng, ICD, kho, bãi trong toàn hệ thống) đã giúp thời gian làm thủ tục, thông quan tại cảng giảm đáng kể (thời gian xe đậu chờ tại cổng cảng giảm từ 13 phút xuống còn 6 phút; thời gian thông quan hải quan điện tử giảm 2 phút/container).

Cảng cũng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều tiết giao thông, sử dụng hệ thống camera để phát hiện và xử lý sớm các tình huống ùn ứ, phối hợp với kênh VOV giao thông để thông tin nhanh tình hình giao thông đến các phương tiện ngay khi có sự cố.

Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động cảng

TCSG luôn bảo đảm cầu tàu sẵn sàng đón tàu 01 tiếng trước khi tàu cập cảng làm hàng để đảm bảo công tác an toàn theo quy định của Cảng vụ Hàng hải TP. HCM. Việc triển khai làm hàng và giải phóng tàu luôn được Trung tâm Điều độ cảng lên kế hoạch chi tiết và triển khai đến các bộ phận liên quan (cảng vụ, cơ giới, công nhân,…) từ trước khi tàu cập. Công tác triển khai làm hàng được thực hiện ngay sau khi tàu cập cầu ổn định, đảm bảo an toàn theo thông báo của Cảng vụ.

TCSG đã và đang ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động khai thác cảng, tối ưu hóa công tác quy hoạch, điều chỉnh quy trình sản xuất, giao nhận tại cảng để tạo thuận lợi tối đa cho các hãng tàu và khách hàng. Quy hoạch các khu dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp, từng bước chuyển các dịch vụ phụ trợ (sửa chữa, vệ sinh container rỗng, đóng rút container hàng khô, hàng lạnh,…) ra ngoài khu vực cảng.

Triển khai nhiều tiện ích công nghệ thông tin để tối ưu hóa công tác giải phóng tàu, rút ngắn thời gian tàu nằm bến như: phần mềm tính độ ổn định của sà lan, thí điểm phần mềm xác định vị trí container trên tàu, tính toán phương án tối ưu hóa thời điểm đưa công nhân lên tàu. Từ đó năng suất giải phóng tàu liên tục được cải thiện, 06 tháng đầu năm 2019, năng suất xếp dỡ duy trì ở mức 69,6 container/giờ, đặc biệt trong tháng 6/2019 đã đạt mức cao kỷ lục là 74,7 container/giờ.

Quy hoạch đồng bộ hệ thống cảng

Những năm gần đây, các hãng tàu có xu hướng liên minh trên các tuyến vận tải, gia tăng việc sử dụng đội tàu có sức chở ngày càng lớn. Từ thế hệ tàu container thứ nhất (1960 – 1970) với sức chở khoảng 1.700 TEU, đến nay đội tàu vận tải container đã phát triển mạnh mẽ với thế hệ ULCS có sức chở lên đến 23.000 TEU. Hiện nay, cỡ tàu 10.000 – 21.000 TEU chiếm 34% tổng số tàu vận tải container đang hoạt động và chiếm 78% số lượng

Tại Cát Lái hiện đang sử dụng phần mềm TOPX và TOPOVN trong điều hành quản lý, khai thác cảng. Thời gian trung bình từ lúc tàu vào đến khu vực cảng đến lúc cập cảng xuống hàng là từ 15 – 20 phút.
tàu đặt đóng mới.

Bức tranh cảng biển Việt Nam vì thế cũng đã có sự thay đổi đáng kể với sự xuất hiện của cảng nước sâu đầu tiên tại khu vực Cái Mép; sự phát triển vượt bậc của các bến cảng TCIT, CMIT… tiếp nhận thành công những con tàu lớn có tải trọng 165.000 – 194.000 DWT; sự ra đời của bến cảng nước sâu khu vực phía Bắc – cảng container quốc tế Hải Phòng (HICT), tiếp nhận thành công tàu tải trọng đến 132.000 DWT),…

Theo ông Trần Khánh Hoàng, Phó Tổng Giám đốc TCT TCSG, việc đầu tư phát triển các bến cảng nước sâu quy mô lớn, đảm bảo vai trò cảng đầu mối trung chuyển quốc tế là nhu cầu cấp thiết giai đoạn hiện nay. Đồng thời cũng cần tăng cường việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị xếp dỡ và công nghệ quản lý hiện đại, nâng cao năng suất làm hàng, rút ngắn tối đa thời gian tàu nằm bến, nâng cao chất lượng dịch vụ…

Ông Hoàng kiến nghị, Chính phủ và các Bộ ngành liên quan cần đẩy nhanh tiến độ các hạng mục công trình giao thông kết nối các cụm cảng đến các khu công nghiệp; Duy tu, đảm bảo độ sâu luồng ban đầu (-14m) cho các cảng nước sâu Lạch Huyện và Cái Mép, nghiên cứu nạo vét độ sâu luồng Cái Mép xuống (-15m, -16m) để thu hút các tàu lớn và đảm bảo an toàn cho các tàu cập cảng; Hình thành các khu kiểm tra chuyên ngành tập trung, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, rút ngắn thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa.

Hiện nay, TCT TCSG cũng đã nghiên cứu, đề xuất một số dự án để phát triển tổng thể hệ thống cảng biển quốc gia. Nếu được Chính phủ ủng hộ, tạo điều kiện, với thế mạnh công nghệ, kinh nghiệm, năng lực hiện có, TCT TCSG sẽ góp phần khai thác hiệu quả các cảng biển trọng điểm quốc gia, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa Việt Nam.

Theo Nguyên Bảo/VLR