XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH VẬN TẢI VÀ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO LOGISTICS
XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH VẬN TẢI VÀ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO LOGISTICS
Ngày 6/7/2019, ông Adson Hofman – Quản lý khu vực Đông Nam Á thuộc Tập đoàn STC Hà Lan đã trao đổi với cán bộ giảng viên, sinh viên ngành Logistic trường ĐH Thủ Dầu Một về chủ đề “Xu hướng phát triển ngành vận tải và chương trình đào tạo Logistics”.
Xu hướng phát triển ngành vận tải và chương trình đào tạo Logistics trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Từ chủ đề của bài tham luận, chuyên gia Adson Hofman nhận định, xu hướng phát triển Logistics trên thế giới hiện nay luôn luôn vận động, đổi mới thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và xu hướng toàn cầu hóa. Tuy nhiên, sự vận động liên tục của hoạt động Logistics hướng đến sự phát triển bền vững, tăng cường năng lực cạnh tranh các ngành sản xuất, dịch vụ của toàn kinh tế của mỗi quốc gia, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Mạng lưới dịch vụ Logicstics tập trung vào các nước có nhiều tiềm năng, Việt Nam là quốc gia được các chuyên gia đánh giá là nước có nhiều tiềm năng, cũng như lợi thế nằm trên trục giao thương hàng hải thuận tiện để có thể trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa vận tải, kho bãi đường biển quốc tế. Nắm bắt xu hướng phát triển, phát huy các lợi thế sẵn có để đưa lĩnh vực Logistics trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tăng năng lực cạnh tranh trong bức tranh chung của ngành Logistics thế giới thì chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực Logistics tại các cơ sở đào tạo Việt Nam phải gắn liền với thực tiễn ngành và đạt chuẩn kỹ năng quốc tế.
Theo đánh giá của chuyên gia Adson Hofman, đầu tư về con người và công nghệ sẽ là yếu tố quyết định đến sự phát triển cho lĩnh vực Logistics trong tương lai. Chính vì vậy, các trường đào tạo nguồn nhân lực Logistics phải đẩy mạnh triển khai mô hình đào tạo gắn sự kết nối với các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trung tâm vận hành Logicstics trong nước, quốc tế nhằm tranh thủ sự giúp đỡ, tư vấn của các chuyên gia, cơ sở trang thiết bị, nhà xưởng thực hành, thực tập. Đặc biệt, các trường cũng xác định định hướng “đào tạo không chỉ cho hiện tại mà cho sự phát triển ở tương lai”, “đào tạo gắn với nhu cầu thị trường”, chính vì vậy nội dung đào tạo cần xây dựng trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng để vận hành hiệu quả trong nền công nghiệp Logistics. Theo đó, chương trình đào tạo phải được thiết kế theo hướng liên ngành, người học không chỉ nắm vững kiến thức chuyên ngành mà còn phải am tường kiến thức (kỹ thuật số, bảo hiểm, thương mại điện tử, xuất nhập khẩu, luật hàng hải quốc tế,…). Bên cạnh đó, các kỹ năng xã hội (ngôn ngữ, giao tiếp, ứng xử quốc tế, văn hóa quốc gia…) cũng cần được chú trọng đầu tư cho người học; tăng cường hoạt động học tập online và các bài học trên lớp. Ngoài ra, học phần thực hành, thực tập cần được hiểu theo nghĩa “làm thì sẽ hiểu”, do đó, các trường cần phải đầu tư xây dựng mô hình học tập mô phỏng với các thiết bị vận hành của ngành Logistics, tạo môi trường cho sinh viên học tập được bắt tay vào làm việc thực tiễn, hình thành kỹ năng nghề nghiệp thuần thục cho công việc tương lai.
Để giúp sinh viên ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng của trường ĐH Thủ Dầu Một nắm được kỹ năng vận hành khóa học tập của bản thân đạt hiệu quả, chuyên gia Adson Hofman dành lời khuyên “người học cần thông suốt tư tưởng học tập suốt đời”, xây dựng hình ảnh “người công dân toàn cầu”. Bởi vì, ngành học này luôn vận động, đổi mới theo các chuẩn mực quốc tế, người hoạt động trong lĩnh vực logistics luôn phải chủ động, tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm từ thực tiễn, ứng dụng khoa học công nghệ trong việc thực hiện các quy trình của ngành logistics bắt kịp xu hướng quốc tế.
Liên kết giữa cơ sở giáo dục với doanh nghiệp – Giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành dịch vụ Logistics Việt Nam
Trao đổi tại buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp – CTHĐ Trường ĐH Thủ Dầu Một cho biết, trong bối cảnh phát triển của thị trường lao động Logistics Việt Nam, thực tế cũng cho thấy, nguồn nhân lực chính là vấn đề khó khăn nhất của ngành Logistics, bởi do sự phát triển nóng nên nguồn nhân lực của ngành này vừa thiếu vừa yếu. Xuất phát từ nhu cầu nguồn nhân lực phát triển ngành Logistics, chương trình đào tạo Logistics và quản lý chuỗi cung ứng ở Việt Nam luôn được các chuyên gia ngành đánh giá rất có triển vọng bởi “cung” vẫn chưa đủ “cầu”. Tuy nhiên, chương trình đào tạo Logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại các cơ sở giáo dục hiện nay vẫn còn mang nặng tính lý thuyết chưa thực sự đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của ngành, nhất là trong bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0, khi xu hướng công nghệ đang định hình ngành logistics với diện mạo hoàn toàn mới. Với những chia sẻ của chuyên gia Adson Hofman, sự giúp đỡ của Tân cảng – STC và IDC Tân cảng Sóng Thần đã giúp cho chương trình đào tạo ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng của Trường được triển khai thuận lợi, bám sát nhu cầu phát triển của ngành, cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực chất lượng, hội nhập toàn cầu.
Đồng quan điểm với những ý kiến chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp, ông Trương Tấn Lộc – Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nguồn nhân lực Tân cảng – STC cho biết, nhu cầu nhân lực đáp ứng sự phát triển của ngành Logistic tại Việt Nam hiện đang là vấn đề khó khăn hàng đầu của các doanh nghiệp Logistics. Chính vì vậy, chương trình đào tạo Logistics của ĐH Thủ Dầu Một đã kịp thời nắm bắt xu hướng của thị trường nhân lực ngành Logistic, giải quyết được phần nào khó khăn về bài toán nhân lực cho các doanh nghiệp Logistics Việt Nam. Ông Trương Tấn Lộc cũng đặc biệt đánh giá cao sự hợp tác giữa trường ĐH Thủ Dầu Một – cơ sở giáo dục trọng điểm của tỉnh Bình Dương với các đội ngũ chuyên gia thuộc Tân cảng – STC và IDC Tân cảng Sóng Thần để cùng thiết kế ra chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra của ngành logistics mang tính thực, hiệu quả, “sản phẩm đào tạo” của Trường sẽ góp phần quan trọng trong lộ trình nâng cao năng lực cạnh tranh của Logistics Việt Nam trong chuỗi dịch vụ toàn cầu.
Tìm lời giải cho bài toán phát triển nhân lực ngành Logistic tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung, phục vụ mục tiêu phát triển nguồn nhân lực Logistics dài hạn và bền vững, Lãnh đạo trường ĐH Thủ Dầu Một, Tân cảng – STC và IDC Tân cảng Sóng Thần tin tưởng, sự liên kết hợp tác giữa Nhà trường – Doanh nghiệp sẽ tạo lên “điểm son” cung ứng nguồn nhân lực chất lượng, hiệu quả cho ngành Logistics phục vụ sự phát triển kinh tế- xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cả nước, khu vực và quốc tế; đồng thời đóng góp các đề xuất, giải pháp xây dựng hạ tầng vận tải, phát triển dịch vụ logistics cho tỉnh Bình Dương.
TDMU