Logo Loading

Nội dung tìm kiếm

CHƯA CÓ HƯỚNG GIẢI QUYẾT CHO 50 CONTAINER CÁ NGỪ BỊ ÁCH TẠI CẢNG

CHƯA CÓ HƯỚNG GIẢI QUYẾT CHO 50 CONTAINER CÁ NGỪ BỊ ÁCH TẠI CẢNG

Sau hơn nửa tháng, 50 container cá ngừ nguyên liệu nhập khẩu của 6 doanh nghiệp bị ách tại cảng, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản lo lắng vì chưa có hướng giải quyết cho lô hàng này:

CHƯA CÓ HƯỚNG GIẢI QUYẾT CHO 50 CONTAINER CÁ NGỪ BỊ ÁCH TẠI CẢNG

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có cuộc họp nội bộ để tìm hướng giải cứu 50 container cá ngừ nhập khẩu đang bị ách tắc tại cảng do chưa có chứng nhận kiểm dịch theo quy định.

Một công văn, nhiều thiệt hại

Theo thống kê, ngoài 50 container cá ngừ đang bị ách tắc, hiện đang có 200 container cá ngừ khác, tương đương với 4.600 tấn cá đang trên đường về cảng Việt Nam để phục vụ cho chế biến, xuất khẩu, đáp ứng các đơn hàng đã ký kết cho tháng 11 và tháng 12/2018.

Ông Nguyễn Xuân Nam, Giám đốc Công ty TNHH Hải Vương, tỉnh Khánh Hòa cho biết, công ty có năng lực chế biến 65 tấn nguyên liệu mỗi ngày. Do đó, nguồn nguyên liệu thu mua của các tàu cá trong nước không đủ phục vụ chế biến và cung ứng đơn hàng của công ty.

Công ty TNHH Hải Vương phải nhập khẩu thêm 220 container cá ngừ mỗi tháng từ các nước Philipines, Malaysia… Từ trước đến nay, dòng hàng này là “cá tàu”, chỉ chuyển tải trung gian qua cảng của các quốc gia nên cơ quan có thẩm quyền tại những quốc gia có cảng này không thể cấp giấy chứng nhận kiểm dịch H/C (Health Certificate) cho lô hàng.

Do đó, toàn bộ lô hàng này không thể có giấy H/C kèm theo để nộp cho cơ quan thú y khi nhập khẩu vào Việt Nam. Cụ thể, ngày 24/9/2018, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có Công văn số 2233 gửi các Chi cục Thú y vùng về việc kiểm dịch nhập khẩu sản phẩm động vật thủy sản làm nguyên liệu gia công xuất khẩu từ tàu đánh bắt nước ngoài. Sau khi nhận được công văn này, các Chi cục Thú y địa phương đã ngưng kiểm dịch thu ý đối với container “cá tàu” không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Điều này khiến doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá ngừ trở tay không kịp.

Trong hơn nửa tháng ách tắc tại cảng, doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu cá ngừ đã mất một chí phí quá lớn để lưu kho. Ước tính, đến thời điểm này, phí lưu kho cho 50 container cá ngừ nguyên liệu nhập khẩu là hơn 600 triệu đồng. Đó là chưa kể kho lưu không đảm bảo điều kiện nhiệt độ bảo quản nguyên liệu, gây hư hỏng và thiệt hại nặng.

Trước tình hình này, Công ty TNHH Hải Vương phải tạm hoãn nhập 280 container cá ngừ, tương đương khoảng 7.000 tấn trong đơn hàng cuối năm. Hợp đồng này đã được công ty ký cho đơn hàng vào tháng 12/2018 trước đó. Việc hủy hợp đồng mua nguyên liệu gây thiệt hại không nhỏ cho công ty. Mặt khác, khi không đủ nguyên liệu cá ngừ phục vụ cho chế biến, Công ty TNHH Hải Vương cũng phải tiến hành hủy hợp đồng giao hàng trong tháng 12/2018 cho các đối tác đã ký kết.

Vẫn phải chờ …

Sau khi 50 container cá ngừ nguyên liệu nhập khẩu bị ách tắc tại cảng, VASEP đã có công văn số 154/2018/CV-VASEP gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường kiến nghị giải quyết các vướng mắc trong kiểm dịch nguyên liệu thủy sản nhập khẩu từ tàu đánh bắt vận chuyển bằng container về Việt Nam.

Theo đó, VASEP cho biết, quý IV/2018 là thời điểm ngành thủy sản chạy nước rút làm hàng xuất khẩu để đáp ứng đơn hàng nhập khẩu của nước ngoài vào thời điểm cuối năm. Thế nhưng, nguồn nguyên liệu nhập khẩu đang vướng mắc ở khâu công tác kiểm dịch động vật thủy sản, gây ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp.

Cụ thể, nguyên liệu thủy sản đông lạnh nhập khẩu dạng xô, xá xếp trong container không thể đáp ứng yêu cầu có bao bì và nhãn phù hợp theo quy định. Thứ hai, nguyên liệu thủy sản nhập khẩu trực tiếp từ tàu đánh bắt, đóng vào container tại cảng trung chuyển và đưa về Việt Nam không có chứng nhận kiểm dịch H/C.

Do đó, VASEP kiến nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho Hiệp hội và các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu phục vụ chế biến có buổi làm việc để trình bày, làm rõ vướng mắc đang gặp phải để tìm biện pháp giải quyết. Đồng thời, Bộ thống nhất xem xét các lô hàng cá nhập khẩu từ tàu đánh bắt vận chuyển bằng container (container chỉ là phương tiện vận chuyển hàng hóa), không qua bất cứ công đoạn chế biến nào trên đất liền, với đặc thù dạng sản phẩm như đã trình bày, giống như lô hàng cá nhập khẩu vận chuyển trực tiếp bằng tàu đánh bắt và sớm có các quy định cho loại hình này.

Mặt khác, VASEP cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép kiểm dịch theo quy trình hiện hành trong khi chờ sửa đổi Thông tư 26/2016 để kịp thời giải phóng các lô hàng đang ách tắc tại cảng nhằm giảm bớt tổn thất, thiệt hại cho doanh nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không yêu cầu phía xuất khẩu dán nhãn lên container đối với trường hợp cá đông lạnh dạng xô/xá xếp trong container nhập khẩu, cho đến khi Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 43/2017 về ghi nhãn.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP chia sẻ, trong gần 20 ngày qua, sau khi công văn 154/2018/CV-VASEP được gửi đi, các doanh nghiệp đều trong trạng thái thấp thỏm chờ đợi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải quyết. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có một công bố nào từ Bộ. Các doanh nghiệp chỉ tự xoay sở việc sản xuất và chế biến với nguồn nguyên liệu hiện có. Chi phí bảo quản, lưu kho cho lô hàng nguyên liệu này vẫn phải chi từng ngày.

TTXVN