ĐỂ CHỈ SỐ HIỆU QUẢ LOGISTICS VIỆT NAM LỌT TOP 30
Ngày 01/01/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Trong đó, giao nhiệm vụ cho ngành dịch vụ logistics phải nâng LPI lên từ 5 – 10 bậc, tức là vào Top 30 – 35 thế giới.
Ngày 26/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 708/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch cải thiện Chỉ số Hiệu quả Logistics (LPI) của Việt Nam. Cục Xuất nhập khẩu là cơ quan đầu mối của Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch này.
Tiêu chí về hải quan, giao hàng đúng hạn
Tiêu chí về hải quan là yếu tố thiết thực giúp giảm thời gian, giảm chi phí logistics, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc
gia. Cần kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hành chính, các thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành. Bãi bỏ những thủ tục bất hợp lý, lỗi thời, không phù hợp với thực tế kinh doanh.
Bộ Tài chính triển khai việc tự động hóa thủ tục giám sát hải quan, ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát thời gian thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại tất cả các cửa khẩu đường không, đường biển trên toàn quốc.
Bộ Tài chính, Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan hải quan, cảng vụ, sân bay, quản lý đường bộ, quản lý đường sắt phối hợp chặt chẽ trong các thủ tục tại cửa khẩu, đảm bảo thời gian giao hàng đúng hạn với các doanh nghiệp dịch vụ logistics, các hãng vận chuyển trong nước và nước ngoài.
Triển khai mạnh mẽ Cơ chế Một cửa Quốc gia, Một cửa ASEAN và kết nối với các đối tác thương mại ngoài ASEAN (Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc, EAEU…) . Đồng thời, các Bộ, ngành tiến hành theo dõi, đo lường và công khai thông tin về thời gian tiếp nhận, thực hiện thủ tục thông quan của từng Bộ, ngành liên quan theo thời gian thực trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Tiêu chí về kết cấu hạ tầng
Trước mắt, Bộ GTVT cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án giao thông trọng điểm như đường cao tốc, sân bay, cảng biển; đẩy nhanh xây dựng các hạ tầng có tính kết nối, lan tỏa ở các vùng kinh tế trọng điểm để làm đòn bẩy phát triển kinh tế – xã hội cho cả khu vực.
Các địa phương xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch để đảm bảo kết nối thông suốt đường bộ, đường sắt với khu công nghiệp, cảng biển, sân bay; giảm ách tắc đường vào ra cảng biển để các chuyến giao hàng nhanh chóng, kịp thời. Đặc biệt là cải tiến thủ tục hành chính, kết nối giữa các cơ quan Nhà nước tại cảng biển là những khâu có thể cải thiện ngay. Vì hiện nay, trên 90% hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam là thông qua đường biển.
Bộ GTVT chỉ đạo các cảng biển, sân bay cần áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, kết nối cảng với các doanh nghiệp, thủ tục hành chính, giấy tờ của cảng, huớng tới e-port, e-DO…
Bộ GTVT, Bộ Công Thương hỗ trợ các địa phương trong việc kêu gọi, tìm nguồn vốn đầu tư để xây dựng các cảng cạn, trung tâm logistics hiện đại, gần khu vực cảng hoặc các khu công nghiệp, vùng sản xuất nông nghiệp.
Các tỉnh, thành phố phát huy tối đa lợi thế về địa kinh tế và liên kết vùng, xây dựng kế hoạch và quy định phát triển logistics của địa phương kết hợp công tác thu hút đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ logistics nhằm phát triển logistics tại địa phương, đồng thời phát huy sự lan tỏa để hỗ trợ các địa phương khác trong sử dụng hạ tầng, cắt giảm chi phí logistics.
Các Bộ, ngành đặc biệt lưu ý về tiến bộ khoa học – công nghệ có thể dẫn đến những thay đổi nhanh chóng về hạ tầng cũng như phương thức kinh doanh dịch vụ logistics. Theo đó, logistics thương mại điện tử cần có những trung tâm logistics chuyên biệt, quản lý dựa trên nền tảng công nghệ số hóa. Việc ứng dụng máy bay không người lái (drone) trong giao hàng cũng là một xu hướng. Các sàn giao dịch vận tải, sàn giao dịch kho bãi sẽ trở nên phổ biến trong thời gian tới… Các Bộ, ngành cần theo sát những diễn biến này để xây dựng, điều chỉnh chính sách quản lý cho phù hợp, theo hướng vừa đảm bảo quản lý Nhà nước, vừa tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp kinh doanh.
Tiêu chí về nâng cao năng lực và chất lương cung cấp dịch logistics
Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin – Truyền thông xây dựng định hướng cho các doanh nghiệp tập trung vào ứng dụng công nghệ cao trong toàn bộ chuỗi cung ứng, quá trình sản xuất – lưu thông cũng như trong việc cung cấp dịch vụ logistics; nâng cao vai trò của logistics trong quản trị chuỗi cung ứng thông qua việc phối hợp chặt chẽ với bên sử dụng dịch vụ logistics cùng tìm biện pháp giảm chi phí logistics.
Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin – Truyền thông khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ nghiên cứu, phát triển các công cụ, giải pháp cải thiện khả năng cung cấp thông tin giúp việc theo dõi và truy xuất các lô hàng được nhanh chóng, chính xác.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện các nhiệm vụ về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã được nêu tại Quyết định 200/QĐ-TTg và Quyết định 708/QĐBCT. Một mặt hỗ trợ các trường đại học, trường dạy nghề hình thành khoa, bộ môn, chuyên ngành đào tạo về logistics và quản trị chuỗi cung ứng, một mặt tạo điều kiện hình thành đội ngũ giảng viên trong lĩnh vực này mạnh cả về số lượng và chất lượng.
Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) giữ vai trò thúc đẩy liên doanh liên kết với các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp ngoài nước trong điều kiện Việt Nam thực hiện CPTPP và các FTA thế hệ mới để mở rộng quy mô doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao trình độ quản lý và trình độ kinh doanh để đảm bảo chất lượng cung cấp dịch vụ ngày càng cao và góp phần cắt giảm chi phí logistics.
Doanh nghiệp dịch vụ logistics giám sát các thủ tục hành chính, dịch vụ công của các Bộ ngành, cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương, góp ý để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, tạo mức độ dễ dàng khi thu xếp vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu với giá cả cạnh tranh, chi phí hợp lý.
Đẩy mạnh thuê ngoài dịch vụ logistics, qua đó đảm bảo về thời gian đúng lịch của các lô hàng khi tới đích, đảm bảo các lô hàng xuất nhập khẩu làm thủ tục thông quan và giao đúng thời hạn.
Nhiệm vụ bổ trợ
Các Bộ, ngành, địa phương tổ chức chương trình tập huấn, phổ biến những nội dung của Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 708/QĐ-BCT ngày 26/3/2019 của Bộ Công Thương, đảm bảo các công chức, viên chức hiểu đúng, hiểu rõ về các nhiệm vụ được nêu, tự xây dựng kế hoạch riêng hoặc lồng ghép vào các kế hoạch, đề án đã có để triển khai. Để thực hiện các chương trình này, các đơn vị có thể mời chuyên gia từ các Bộ, ngành, hiệp hội tham gia trình bày, làm báo cáo viên.
Hiệp hội VLA, VCCI phối hợp với báo chí tổ chức các chương trình truyền thông nhằm nâng cao hiểu biết của xã hội về vai trò của logistics, tác động của logistics đến nền kinh tế, ý nghĩa của việc giảm chi phí logistics và cải thiện Chỉ số LPI. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn thông tin đầy đủ, đáng tin cậy về logistics, chi phí logistics để phân tích đúng về môi trường kinh doanh, xây dựng hoặc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp.
VLR